Trong lĩnh vực tiền điện tử, smart contract đóng vai trò như một đơn vị trung gian giúp giám sát và thực thi các yêu cầu nhất định. Mọi thứ diễn ra hoàn toàn tự động khi tất cả các bên tuân theo yêu cầu đặt ra trước đó. Trong bài viết này, Share kỹ năng sẽ giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn xoay quanh khái niệm smart contract.
Tổng quan về Smart Contract
Như chúng ta đã biết, đặc trưng lớn nhất của các mạng lưới blockchain đó là tình phi tập trung. Và một trong những thành phần tạo nên tính phi tập trung này là các hợp đồng thông minh (smart contract). Do đó, để giúp độc giả có thể hiểu rõ hơn về khái niệm này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua về các thức vận hành trong một số mô hình truyền thống nhé.
Smart contract là một mã máy tính giúp tự động thực thi các thỏa thuận trên mạng lưới blockchain.
Một ví dụ khá điển hình mà chúng ta thường gặp đó là việc vay tiền tại ngân hàng. Khi bạn cần vay một khoản tiền bất kỳ, thông thường ngân hàng sẽ yêu cầu bạn thế chấp tài sản. Một thỏa thuận riêng giữa bạn và ngân hàng được tạo ra. Trong thỏa thuận đó chứa các thông tin cụ thể xoay quanh việc vay tiền của bạn.
Thỏa thuận sẽ ghi rõ, để vay được một số tiền A, bạn cần phải thế chấp một loại tài sản B. Giá trị tài sản A và B sẽ do bạn và ngân hàng định giá và thống nhất với nhau. Sau C ngày, nếu như bạn trả lại một khoản tiền A kèm một phần lãi suất cho ngân hàng thì ngân hàng sẽ trả lại bạn tài sản thế chấp B. Nếu bạn không đủ khả năng chi trả khi đến hạn, tài sản B của bạn sẽ bị mất.
Khi thỏa thuận được sự đồng ý giữa bạn và ngân hàng, thỏa thuận đó sẽ được thực thi. Lúc này, ngân hàng sẽ đóng vai trò trung gian trong việc vừa cho vay, vừa đúng ra giám sát khoản vay đó. Như vậy, lúc nào cũng sẽ một thực thể đứng ra để giám sát và thực thi vấn đề này.
Nhằm giảm thiểu và tối ưu vai trò của các đơn vị trung gian như ngân hàng, smart contract được hình thành. Lúc này, smart contract sẽ đảm nhiệm vai trò giám sát và thực thi các yêu cầu mà các bên đã thỏa thuận trước đó. Khác biệt lớn nhất ở đây là mọi thứ diễn ra hoàn toàn tự động với tỷ lệ chính xác gần như tuyệt đối.
Quay lại ví dụ về vay tiền ngân hàng kể trên, với việc áp dụng smart contract, mọi thứ sẽ đơn giản hơn nhiều. Một thỏa thuận giữa bạn và một người nào đó được thống nhất, mọi điều khoản sẽ được đưa vào smart contract. Nếu như các bên đáp ứng hoặc không đáp ứng được các điều khoản trong smart contract, các tình huống được đưa ra trước đó sẽ được thực thi.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu smart contract là một chương trình máy tính. Nó thể hiện thỏa thuận giữa các thành phần với nhau. Thỏa thuận sẽ được thực hiện tự động, không có sự can thiệp từ bên ngoài. Mọi giao dịch đều minh bạch, dễ dàng truy xuất trên mạng lưới blockchain. Với sự trợ giúp của smart contract, việc thực thi vẫn có thể diễn ra ngay cả khi các bên không hề quen biết nhau từ trước.
Sự xuất hiện của smart contract đã xóa bỏ đi vai trò của các đơn vị trung gian như ngân hàng. Điều này khiến cho việc mạng lưới được quản lý một cách phi tập trung và không chịu sự kiểm soát bởi bất kỳ ai. Hơn nữa, vì là một dạng mã máy tính nên sẽ loại bỏ hoàn toàn yếu tố cảm xúc trong quá trình thực thi. Điều này phần nào khiến cho mọi thứ trở nên minh bạch và dễ kiểm soát hơn.
Ưu & nhược điểm của Smart contract
Ưu điểm
Hợp đồng thông minh là một bộ mã có thể lập trình, có khả năng tùy chỉnh cao và có thể được thiết kế theo nhiều cách khác nhau để có thể cung cấp nhiều loại dịch vụ và giải pháp.
Ngoài ra, hợp đồng thông minh là các chương trình phi tập trung và tự thực hiện (self-executing), chúng giúp tăng tính minh bạch và giảm chi phí hoạt động. Nếu được triển khai đúng cách, chúng cũng có thể tăng hiệu quả vận hành và giảm chi phí hành chính.
Nhược điểm
Hợp đồng thông minh chỉ là các đoạn mã chạy trên một Blockchain do con người tạo ra, chúng không thông minh, chúng hoạt động theo cách mà nhà phát triển viết ra chúng, chứ không phải cách mà nhà phát triển nghĩ chúng sẽ hoạt động. Vì vậy Hợp đồng thông minh vẫn có rủi ro vì bộ mã có khả năng bị tấn công và có lỗi.
Ngoài ra, có một số ý kiến cho rằng các hệ thống tập trung cũng có thể cung cấp hầu hết các giải pháp và chức năng mà hợp đồng thông minh mang lại. Tuy nhiên, điều khác biệt là ở chỗ, các hợp đồng thông minh chạy trên một mạng ngang hàng (P2P) phân tán thay vì trên một máy chủ tập trung.
Đồng thời các hợp đồng thông minh dựa trên hệ thống blockchain nên rất khó hoặc không thể sửa đổi và can thiệp. Tính chất không thể thay đổi là một ưu điểm lớn, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể là nhược điểm.
Ví dụ:
Khi một tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) có tên là “The DAO” bị hack vào năm 2016, hàng triệu ETH đã bị đánh cắp do có sai sót trong mã hợp đồng thông minh của họ.
Vì Smart Contract của họ là không thể thay đổi, nên các nhà phát triển không thể sửa code. Điều này cuối cùng đã dẫn đến một cuộc hard fork, tạo ra Ethereum Classic và Ethereum.
Ứng dụng của Smart Contract trong Blockchain
Về cơ bản, hầu hết các ứng dụng được cung cấp bởi các hệ thống tập trung đều có thể được thiết kế tương tự và cung cấp bởi các Smart Contract trên blockchain.
Smart Contract cho phép các nhà phát triển có thể thiết kế ra nhiều trường hợp sử dụng khác nhau. Ví dụ: Ví tiền điện tử để lưu trữ Coin & Token, các sàn giao dịch phi tập trung (DEX), trò chơi (gaming), NFT,…
Lời kết
Như vậy chúng đã tìm hiểu Hợp đồng thông minh (smart contract) là gì, cũng như một số ưu & nhược điểm và ứng dụng của hợp đồng thông minh.
Smart Contract và blockchain có khả năng thay đổi hầu hết các lĩnh vực trong xã hội của chúng ta. Nhưng chúng ta cần chờ đợi để xem liệu những công nghệ đột phá này có thể vượt qua nhiều rào cản để được áp dụng trên quy mô lớn hay không.