Bạn là một marketer, seoer, developer, hay đơn giản bạn thường quan tâm đến các chỉ số xếp hạng website của Google Tìm kiếm, bạn có thể đã nghe đến cụm từ Core Web Vitals trong thời gian gần đây. Nếu bạn còn đang băn khoăn nó có ý nghĩa gì, trong bài viết hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về những thông tin liên quan đến thuật ngữ này nhé.
Bản cập nhật sắp tới từ Google
Ngày 10 tháng 10 năm 2020, Google đã công bố Page Expericence bao gồm Core Web Vitals cùng với các tín hiệu trải nghiệm người dùng hiện tại, sẽ trở thành một yếu tố xếp hạng mới và sẽ được áp dụng chính thức vào tháng 5 năm 2021.
Page Expericence, hay còn gọi là trải nghiệm trang, là một tập hợp các tín hiệu đo lường cách người dùng cảm nhận trải nghiệm tương tác với một trang web (UX) ngoài giá trị thông tin thuần túy của nó. Page Expericence bao gồm Core Web Vitals (một bộ chỉ số xếp hạng mới của Google) cùng với các tín hiệu trải nghiệm người dùng hiện có. Tóm lại, Page Experience bao gồm các tiêu chí sau:
- Core web vitals: LCP, FID, CLP
- Mobile friendly: Thân thiện với các thiết bị di động
- Safe browsing: Lướt web an toàn
- HTTPS: Bảo mật HTTPS
- Mobile popup algorithm/No intrusive interstitials: Quy tắc quảng cáo đan xen (sự xuất hiện của popup,…)
Google cho biết thêm, trong vài tháng qua, số lượng người dùng tương tác với Lighthouse và PageSpeed Insights tăng trung bình 70% và nhiều chủ sở hữu trang web sử dụng báo cáo Core Web Vitals của Search Console để xác định các cơ hội cải thiện và đáp ứng với các yêu cầu trong bản cập nhật sắp tới.
Vì vậy, để được xếp hạng cao trên Google Tìm kiếm trong thời gian tới, bạn cần có kế hoạch tối ưu các chỉ số quyết định trải nghiệm của người dùng trên trang web của bạn.
Core Web Vitals đóng vai trò gì ?
Việc Core Web Vitals trở thành tín hiệu xếp hạng, là một sự thay đổi quan trọng trong cách hoạt động của thuật toán xếp hạng trên công cụ tìm kiếm. Giờ đây, trải nghiệm người dùng sẽ đóng một vai trò hữu giúp trang web của bạn đạt được vị trí cao trên trang nhất.
Google đưa Core Web Vitals vào làm một trong những yếu tố xếp hạng công cụ tìm kiếm để hướng tới mục đích là giúp các chủ sở hữu trang web xây dựng các trang có tính trải nghiệm người dùng – không chỉ tạo ra nội dung liên quan đến chủ đề, mà cần suy nghĩ xem đó có phải là trải nghiệm thú vị tổng thể cho người dùng hay không.
Điều này không có nghĩa là bạn bỏ qua việc phát triển nội dung trang web của mình. Trích từ tuyên bố của Google:
“A good page experience doesn’t override having great, relevant content. However, in cases where there are multiple pages that have similar content, page experience becomes much more important for visibility in Search.”
Có thể hiểu như sau, nếu có hai trang, cả hai trang đều cung cấp nội dung và chất lượng tương tự nhau, trang có trải nghiệm người dùng tốt hơn (được đo lường bởi Google’s Core Web Vitals) sẽ chiếm lợi thế và xếp hạng cao hơn trong kết quả tìm kiếm.
Vì vậy, bây giờ bạn đã hiểu tầm quan trọng của việc tập trung vào Vitals trên trang web của mình, đã đến lúc tìm hiểu chúng một cách chi tiết hơn.
Vậy Core Web Vitals là gì ?
Hiểu một cách tổng quan, Core Web Vitals là tập hợp các chỉ số thiết yếu của website bao gồm các khía cạnh liên quan đến trải nghiệm người dùng trên trang. Những chỉ số này được được đo bởi Chrome UX Report và Google Search Console nhằm đánh giá performance (hiệu năng) của trang web và xếp hạng điểm SEO. Mỗi chỉ số đại diện cho một khía cạnh về trải nghiệm người dùng, tương ứng với các yếu tố xếp hạng sau:
- Loading performance (Tốc độ nội dung xuất hiện trên trang)
- Responsiveness (Tốc độ phản hồi lại tương tác của người dùng)
- Visual stability (Độ ổn định về bố cục trang trong quá trình tải)
Vì vậy, để đo lường những khía cạnh thiết yếu này của trải nghiệm người dùng, Google đã thiết kế ra ba chỉ số tương ứng như sau – còn gọi là Core Web Vitals:
- LCP (Largest Contentful Paint)
Có lẽ đơn giản nhất trong ba chỉ số quan trọng, Largest Contentful Paint (LCP) là thời gian cần để tải nội dung chính của trang. Đây có thể là hình ảnh, video hoặc thậm chí là một khối văn bản lớn.
Để được đánh giá tốt ở chỉ số này, 75% nội dung trang web của bạn phải tải trong vòng chưa đầy 2,5 giây. Từ 2,5 đến 4 giây được coi là cần cải thiện. Nếu mất hơn 4 giây, thì điểm LCP của bạn đang cần được cải thiện gấp.
- FIS (First Input Delay)
Chỉ số thứ hai, First Input Delay (FID), nhắm đến tính tương tác, đo lường thời gian cần để trang có thể tương tác được. Cụ thể hơn, FID đo thời gian từ khi người dùng nhấp vào trang web của bạn (tức là nhấp vào liên kết hoặc chọn một mục từ menu.) đến khi họ có thể tương tác với nội dung nào đó trên trang.
Để có điểm FID tốt, bạn nên đặt mục tiêu cho thời gian này là dưới 100 mili giây. Giữa 100-300ms là điều đáng lo ngại, nhưng nếu nó vượt quá 300ms, bạn cần phải tăng cường tối ưu Core Vital này.
- CLS (Cumulate Layout Shift)
Cuối cùng là Cumulate Layout Shift (CLS), theo dõi mức độ ổn định của nội dung trên một trang, tìm kiếm bất kỳ sự thay đổi bố cục bất ngờ nào trong nội dung trực quan của trang trong giai đoạn tải.
Về mặt đo lường, CLS được tính trên thang điểm cho 0-1, trong đó 0 là không dịch chuyển, và 1 là mức tối đa. Để đạt CLS tốt, bạn nên đặt mục tiêu điểm CLS dưới 0,1, khoảng 0,25 trở lên đều cần được điều chỉnh.
Theo các Google, những tín hiệu đo lường này giúp cải thiện trải nghiệm cũng như tính tương tác của người dùng trên website ngày càng tốt hơn. Mọi sự thay đổi của Core Web Vitals sẽ liên quan đến việc đáp ứng tốt nhất mong muốn của người dùng về trải nghiệm trên website.
Các công cụ hỗ trợ đo chỉ số Core Web Vitals
Bạn có thể xem báo cáo chỉ số về Core Web Vital cho website của mình tại link https://web.dev/ hoặc bằng một trong 6 công cụ này: PageSpeed Insights, Chrome DevTools, Lighthouse, Google Search Console, Chrome UX Report hoặc Web Vitals Extension.
Dựa vào bảng trên, chúng ta có thể nhận thấy một số hiệu quả khác biệt giữa các công cụ khi check Chỉ số thiết yếu về trang web. Một số tool trong đó sử dụng dữ liệu hiện trường (Field Data) từ những trải nghiệm thực tế của người dùng, một số khác lại dựa trên hiệu suất mô phỏng hành vi người dùng trong môi trường thử nghiệm.
Nơi mà các chỉ số FID được thay thế bằng TBT – Total Blocking Time (tổng thời gian ngăn chặn phản hồi đầu vào của người dùng) là các chỉ số được đo dựa trên dữ liệu mô phỏng.
Theo như ông lớn Google nhận định, các công cụ sử dụng dữ liệu hiện trường Field Data sẽ là lựa chọn tốt hơn và chúng sẽ được sử dụng để làm tín hiệu xếp hạng cho trang web của bạn.
Tuy nhiên, một điều khá đáng lưu tâm khi sử dụng dữ liệu hiện trường để đo lường chỉ số Page Expericence đó là: Điểm số tối ưu hóa sẽ bị ảnh hưởng bởi người dùng thực tế. Chẳng hạn, nếu người dùng sử dụng mạng hoặc các thiết bị cung cấp mạng yếu hơn để xem website của bạn thì điểm trải nghiệm UX trên trang cũng sẽ bị đánh giá thấp hơn website của đối thủ có điểm tối ưu tương tự như trang web của bạn, nhưng được truy cập bởi một thiết bị có điều kiện kết nối tốt hơn.
Đánh giá về các công cụ đo lường chỉ số Core Web Vitals trên:
- Google Search Console: Mang đến góc nhìn tổng quan về báo cáo quản lý các Chỉ số thiết yếu về trang web
- Chrome DevTools : Chrome đi kèm với một số công cụ dành cho nhà phát triển như báo cáo Core Web Vitals (từ Chrome 88) và Core Web Vitals overlay (từ Chrome 90), và nhiều hơn thế nữa.
- Lighthouse: Google đã xây dựng Lighthouse như một công cụ để kiểm tra PWA, nhưng giờ đây nó là một công cụ tuyệt vời để theo dõi hiệu suất. Nó có một số tính năng mà PageSpeed Insights không có như SEO autdit.
- Chrome UX Report & Web Vitals Extension: Đánh giá nhanh về hiệu quả trải nghiệm trên website.
Kết luận
Khi nói đến thứ hạng của công cụ tìm kiếm, trải nghiệm người dùng đang trở nên quan trọng hơn rất nhiều, mặc dù nội dung chất lượng cao và một chiến lược SEO tốt vẫn nên vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Điều quan trọng là bạn cần tập trung về trải nghiệm người dùng và cách bạn có thể cải thiện điều đó trên trang web của mình.